Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất hàng trăm quy trình kỹ thuật trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam phát triển và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài với tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhiều thị trường khó tính. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... Sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp có sự đóng góp của ứng dụng của khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Hội thảo Ứng dụng Công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp - Application of Advanced Technologies In Agriculture (AATA) do Trường Đại học Văn Hiến, Đại học Cần Thơ và Đại học Okayama (Nhật Bản) cùng phối hợp tổ chức, diễn ra từ 8 giờ sáng đến 17h giờ ngày 02/10/2020 tại Trường Đại học Văn Hiến - cơ sở 613 Âu Cơ, phường Phú Trung, Quận Tân Phú, TP.HCM. Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề chính: Khoa học Cây trồng, Khoa học Vật nuôi và Thủy sản, Khoa học Thực phẩm và các vấn đề liên quan khác như môi trường, biến đổi khí hậu, ...
Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ, GS.TS. Bùi Chí Bửu – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp và các nhà khoa học đến từ các Trường Đại học, các viện Nghiên cứu trong nước, quốc tế.
Về phía các trường đại học quốc tế, có GS.TS Hiroaki Funahashi –Trường Khoa học Môi trường và Sự sống, Đại học Okayama, Nhật Bản, GS.TS.KS Katleen Raes – Cục Công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm – Đại học Gent – Bỉ.
Về phía các trường đại học trong nước: Trường Đại học Cần Thơ, có PGS.TS Lê Việt Dũng – Nguyên Phó Hiệu trưởng cùng nhiều nhà nhiên cứu; Trường Đại học Văn Hiến, có TS. Từ Minh Thiện – Hiệu trưởng cùng Ban điều hành, Trưởng các khoa và nhiều nhà nghiên cứu.
Về phía các doanh nghiệp, có sự tham dự của Ban Tổng giám đốc các công ty: Công ty Cổ phần Giáo dục Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu. Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm viết bài tham luận và tham dự hội thảo từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp từ các trường đại học tại Việt Nam như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Okayama – Nhật Bản, Trường ĐH Ghent – Bỉ, Trường ĐH Copenhaghen – Đan Mạch. Với 50 bài tham luận gửi về, Ban Tổ chức đã lựa chọn 24 đề tài để trình bày và thảo luận tại hội thảo.
Hội thảo được chia thành hai tiểu ban, mỗi tiểu ban sẽ trình bày và thảo luận 12 đề tài. Tại tiểu ban 1 (phòng DPH 008), các diễn giả tập trung thảo luận về chủ đề: Ứng dụng công nghệ cao trong Khoa học Cây trồng; Khoa học Vật nuôi và Thủy sản. Tiểu ban 2 (phòng DPH 007) các diễn giả tập trung thảo luận về chủ đề: Ứng dụng công nghệ cao trong Khoa học Thực phẩm và các vấn đề liên quan khác như môi trường, biến đổi khí hậu,….
Năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học đến từ nhiều nơi trên thế giới đã phải dời lại. Hội thảo này được kỳ vọng sẽ là nơi gặp gỡ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến, khoa học tiến bộ trong nông nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tạo ra mối liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ giữa các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giữa các trường đại học và các nhà nghiên cứu.
Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch covid-19 hiện nay, các diễn giả từ trường ĐH Okayama – Nhật Bản và ĐH Gent – Bỉ sẽ trình bày và thảo luận thông qua hình thức hội thảo trực tuyến bằng công cụ quickom.
Hội thảo Khoa học quốc tế lần này sử dụng công nghệ mạng lưới đám mây phi tập trung QUICKOM, thuộc Tập đoàn Beowulf, có khả năng tổ chức các hội thảo lớn với 5,000+ người tham gia cùng với những tính năng nổi bật: phiên dịch song song, kiểm soát hội nghị, v.v...